Seminar nhóm Nông nghiệp sinh thái, khoa Nông học
Cập nhật lúc 10:00, Thứ bảy, 23/12/2023 (GMT+7)
Ngày 20 tháng 12 năm 2023, tại Thư viện khoa Nông học, nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái tổ chức seminar
Ngày 20 tháng 12 năm 2023, tại Thư viện khoa Nông học, nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái tổ chức seminar với ba nội dung:
Nội dung 1: “Ảnh hưởng của mặn đến một số chỉ tiêu nông học và sinh lý cây ngô ở giai đoạn cây con” do ThS Vũ Tiến Bình trình bày. Bài trình bày đã chỉ ra rằng: Mặn đã ảnh hưởng đến các chỉ tiêu sinh trưởng phát triển, sinh lý của 3 giống ngô HUA601, ADI688 và LVN61 ở thời kỳ cây con. Xử lý mặn làm giảm chiều cao cây, số lá, khối lượng rễ khô cũng như chỉ số SPAD, khả năng tích lũy chất khô. Trong 3 giống ngô được sử dụng trong thí nghiệm, giống ADI688 có khả năng chịu mặn và phục hồi tốt nhất, cho chỉ số chịu mặn đạt cao nhất (0,83) nên có thể đem trồng thử nghiệm ở các vùng đất mặn hoặc sử dụng làm vật liệu trong nghiên cứu chọn tạo giống ngô chịu mặn.
|
|
TS. Vũ Tiến Bình trình bày seminar |
TS. Vũ Duy Hoàng trình bày nội dung 2 với chủ đề: Tín chỉ giảm phát thải carbon trong canh tác lúa bền vững, thân thiện với môi trường. Ở Việt Nam, canh tác lúa nước đóng góp đến 75% lượng khí mê-tan (CH4) phát thải và 48% khí hiệu ứng nhà kính trong nông nghiệp. Một trong những giải pháp kỹ thuật giúp giảm phát thải khí CH4 trong canh tác lúa là áp dụng tưới ướt khô xen kẽ. Lượng giảm khí CH4 phát thải được qui đổi sang tín chỉ giảm phát thải carbon. Nghiên cứu của TS. Vũ Duy Hoàng và cộng sự đã chứng minh: kỹ thuật tưới ướt khô xen kẽ trong canh tác lúa giảm đến 40-60% lượng khí CH4 phát thải.
|
|
TS. Vũ Duy Hoàng trình bày seminar |
Cuối cùng TS. Vũ Ngọc Lan trình bày chủ đề: Ảnh hưởng của môi trường nuôi cấy, dinh dưỡng hữu cơ và các chất điều tiết sinh trưởng tới quá trình nhân giống in vitro cây lan Thạch hộc tía (dendrobium officinale). Nội dung bài trình bày đã cho thấy: Môi trường MS là phù hợp nhất cho quá trình nuôi cấy nhân nhanh cụm chồi; bổ sung chất điều tiết sinh trưởng NAA ở nồng độ 1 mg/l hoặc BAP ở nồng độ 3 mg/l vào môi trường nền cho số chồi lớn nhất (45 chồi/cụm chồi) và số nhân cao nhất (2,56) sau 8 tuần nuôi cấy; nền khoáng RE là nền môi trường nuôi cấy phù hợp nhất cho sinh trưởng của cây con; bổ sung than hoạt tính vào môi trường nuôi cấy lan ở nồng độ 1,0g THT/lít là tối ưu cho tạo cây hoàn chỉnh đối với cây lan Thạch hộc tím.
|
|
TS. Vũ ngọc Lan trình bày seminar |
Sau bài chia sẻ của các thầy cô, các thành viên trong nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái đã trao đổi và thảo luận sôi nổi về ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn và tiềm năng phát triển nghiên cứu tiếp theo của các thầy, cô.
Nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái