Ngày 6 tháng 12 năm 2022, tại phòng thư viện khoa Nông học, nhóm nghiên cứu mạnh sinh lý, sinh thái cây trồng đã tổ chức seminar khoa học với hai chủ đề:

Chủ đề 1: Ảnh hưởng của bón kết hợp các loại phân hữu cơ đến sinh trưởng, năng suất của một số loại cây rau ăn quả do TS. Thiều Thị Phong Thu trình bày


TS. Thiều Thị Phong Thu trình bày 

            Cà tím và mướp đắng là cây rau thu hoạch quả có giá trị dinh dưỡng, giá trị kinh tế cao, tốt cho sức khỏe con người. Cà tím có khả năng chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh như khô hạn, chịu nhiệt, ít bị nhiễm các loại sâu bệnh. Mướp đắng có thể trồng được ở nhiều thời vụ, thích ứng với nhiều loại đất có thành phần cơ giới khác nhau, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Với khả năng sinh trưởng và chống chịu sâu bệnh tốt như vậy nên cây cà tím và cây mướp đắng được xem là cây trồng tiềm năng để phát triển trồng trọt hữu cơ. Tuy nhiên, phân hữu cơ bón đất thường cung cấp dinh dưỡng chậm nên thời kỳ đầu cây thiếu dinh dưỡng, sinh trưởng kém và ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng ở các giai đoạn sau. Do đó, phương pháp bón phân để cây trồng sinh trưởng tốt ngay từ giai đoạn cây con đó là kết hợp phân bón hữu cơ bón gốc với dung dịch hữu cơ bón lá. Đặc biệt, khi cây trồng bị nghẹt rễ, bộ rễ sinh yếu, sinh trưởng kém, cây non hoặc cây gặp các điều kiện bất thuận, sử dụng phân bón lá rất hiệu quả. Trong nghiên cứu này,  phân hữu cơ bón gốc gồm: phân gà, phân Minori và phân trùn quế được bón kết hợp với phân hữu cơ bón lá gồm: phân O-MIC, phân HB101. Kết quả thí nghiệm trên cây mướp đắng và cây cà tím cho thấy, trong các loại phân bón gốc, phân trùn quế ảnh hưởng tốt nhất đến sinh trưởng và năng suất của cà tím và mướp đắng; phân bón lá HB101 ảnh hưởng tốt hơn đến sinh trưởng và năng suất cà tím và mướp đắng so với phân O-MIC. Kết hợp sử dụng phân trùn quế và phân bón lá HB101 cho năng suất cà tím và mướp đắng cao nhất giữa các công thức (đạt 14,05 tấn/ha đối với cà tím, đạt 18,52 tấn đối với mướp đắng).

Chủ đề 2:  Ảnh hưởng của vi sinh vật và acid salicylic đến khả năng nảy mầm của đậu tương đen DT24307do TS. Phạm Tuấn Anh trình bày.


 TS. Phạm Tuấn Anh trình bày

Đậu tương là một nguồn Protein thực vật bổ dưỡng trong các chế độ ăn, đặc biệt là chế độ ăn chay. Đậu tương đen chứa lượng Protein cao hơn khoảng 40% so với đậu tương vàng. Ngoài ra, đậu tương đen cũng chứa lượng Carotenoid, Omega 3 và Omega 6 cao hơn khoảng 10-60%. Đặc biệt, trong hạt đậu tương đen có chứa chất anthocyanin, là một hợp chất chống ôxi hóa nên rất tốt cho việc phòng ngừa bệnh tiểu đường, tim mạch, béo phì và một số loại ung thư. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến việc xâm nhập mặn ở vùng đất ven biển ngày càng nghiêm trọng làm ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu ảnh hưởng phối hợp giữa của vi sinh vật (VSV) và acid salicylic (SA) đến khả năng nảy mầm của cây đậu tương đen DT24307 trong điều kiện thường và mặn nhân tạo mang ý nghĩa thực tiễn cao. Kết quả nghiên cứu đã chỉ rằng mặn đã làm giảm rõ rệt tỷ lệ nảy mầm, chiều dài rễ mầm thân mầm và khối lượng của đậu tương đen DT24307. Xử lý vi sinh vật, xử lý SA riêng rẽ hay phối hợp cả vi sinh vật và acid salicylic cho hạt đậu tương đen đều có ảnh hưởng tích cực đến các chỉ tiêu về tăng khả năng nảy mầm của hạt, làm cho chiều dài thân mầm và lá mầm tăng lên cùng với đó là khối lượng tươi và khối lượng khô thân mầm, lá mầm so với việc không xử lý vi sinh vật và acid salicylic trong điều kiện gây mặn.

Một số hình ảnh buổi seminar


 

 

Nhóm nghiên cứu mạnh nhóm sinh lý, sinh thái cây trồng