Hiện nay, ngành hoa cây cảnh đang phát triển mạnh mẽ, đạt gần 45.000ha vào năm 2024, giá trị sản lượng hơn 45.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngành này cũng đối mặt với thách thức về biến đổi khí hậu, chất lượng sản phẩm và cạnh tranh.
Chiều 12/1, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tọa đàm "Tương lai ngành hoa cây cảnh Việt Nam" với hơn 750 đại biểu tham dự. Tọa đàm thu hút hơn 750 đại biểu gồm các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, cơ quan quản lý, giảng viên và đông đảo sinh viên học viện. Tọa đàm là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Xuân Học viện Nông nghiệp Việt Nam năm 2025.
Chia sẻ tại tọa đàm, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Quang (Văn Giang, Hưng Yên) cho hay, dù diện tích đất nông nghiệp còn rất ít nhưng hiện nay Xuân Quang là một trong những làng hoa cây cảnh lớn nhất miền Bắc. Người dân trong xã chuyển đổi sang phát triển các mô hình trồng hoa, cây cảnh phục vụ đô thị, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, tạo ra diện mạo mới cho địa phương.
Ông Tuấn cho hay, UBND xã phối hợp chặt chẽ với Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trồng, chăm sóc hoa cây cảnh. Hàng năm, địa phương tiếp nhận nhiều đoàn sinh viên về thực tập, trải nghiệm và làm đề tài, báo cáo tốt nghiệp. “Có thể khẳng định, cơ hội việc làm của ngành hoa cây cảnh rất phong phú, đa dạng và mang lại thu nhập không thấp” – ông Tuấn chia sẻ.
Còn theo GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngành hoa cây cảnh Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành lĩnh vực kinh tế có tiềm năng lớn, đóng góp đáng kể vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và cải thiện đời sống người dân.
Với diện tích trồng hoa, cây cảnh đạt gần 45.000 ha vào năm 2024, tăng gấp 8 lần so với năm 2000, giá trị sản lượng ngành cũng tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 45.000 tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu hoa đã vượt mốc 100 triệu USD, với các sản phẩm chủ lực như hoa lan, hoa hồng, hoa cúc... Điều này khẳng định vị thế của Việt Nam trong ngành hoa cây cảnh khu vực và quốc tế.
|
|
Theo GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngành hoa cây cảnh Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ |
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, GS.TS Phạm Văn Cường cho rằng, ngành hoa cây cảnh đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Sự biến đổi khí hậu, yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm từ thị trường quốc tế và mức độ cạnh tranh ngày càng gia tăng đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược phát triển bài bản.
Việc quy hoạch vùng chuyên canh chưa đồng bộ, chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế và khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư là những vấn đề cần được giải quyết kịp thời. Ngoài ra, việc xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hoa cây cảnh Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, gây khó khăn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu. Hầu hết giống cây không có bản quyền, nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu hụt, tỷ lệ đào tạo thấp. Thị trường quốc tế cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt với các sản phẩm mới.
Để khai thác hết tiềm năng của ngành hoa cây cảnh Việt Nam, Đề án phát triển ngành hoa, cây cảnh đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã xác định rõ một số giải pháp như: Tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đặc biệt là công nghệ nuôi cấy mô, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo; đẩy mạnh nghiên cứu và chọn tạo các giống hoa mới, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; quy hoạch vùng chuyên canh, tăng cường xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cũng đóng vai trò then chốt để đưa ngành hoa cây cảnh lên một tầm cao mới.
|
|
Các khách mời chia sẻ về tiềm năng của ngành hoa cây cảnh tại tọa đàm "Tương lai ngành hoa cây cảnh Việt Nam" do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức |
Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Khoa Nông học là một trong những đơn vị đi đầu trong việc nghiên cứu, lựa chọn bộ giống hoa, cây cảnh phù hợp với thị trường; nhân giống mới, khảo nghiệm trên diện rộng và công bố/bảo hộ giống.
Hiện nay, Khoa đang ưu tiên đầu tư nghiên cứu một số giống hoa, cây đô thị mới như cây hoa hiên; nghiêu cứu chế biến sản phẩm từ hoa hiên (hiên sấy khô, làm trà, làm thuốc).
Được biết, hoa hiên được biết đến cách đây hơn 2000 năm ở Trung Quốc; cuối thế kỷ 19 cây hoa hiên phổ biến các quốc gia ở châu Âu và Mỹ trong trang trí cảnh quan do hoa nở mùa hè có màu sắc, hình dáng và kích thước hoa đa dạng.
Ngành học đang khát nhân lực chất lượng cao, dễ khởi nghiệp
Tại tọa đàm, PGS.TS Trần Văn Quang, Trưởng khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, nguồn nhân lực chất lượng cao là nhu cầu tất yếu của xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp.
Từ năm 2007, ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan tại Học viện được xây dựng và bắt đầu đào tạo theo định hướng nghề nghiệp với sự hỗ trợ của Trường Đại học Van Hall Larenstein và một số trường đại học của Hà Lan. Đến nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đào tạo 17 khóa ngành công nghệ rau hoa quả và thiết kế cảnh quan, với hơn 1.000 sinh viên tốt nghiệp ra trường làm việc ở lĩnh vực hoa cây cảnh.
Sinh viên ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan có cơ hội đăng ký theo học chương trình liên kết đào tạo 2+2 giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) và Trường Đại học Van Hall Larenstein, Hà Lan (VHL) hoặc Trường Đại học Chungnam Hàn Quốc (2 năm học tại VNUA và 2 năm học tại trường đại học liên kết và khi tốt nghiệp do hai trường cùng cấp bằng).
Theo học ngành này, sinh viên được học tập tại các phòng lý thuyết với các trang thiết bị hiện đại, thực hành tại phòng nghiên cứu hay các nhà màng nhà lưới tại Học viện và cơ sở liên kết để sau mỗi kỳ học đong đầy kiến thức, kỹ năng và thái độ nghề nghiệp, các bạn sinh viên lại hăng say sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng xã hội văn minh.
Theo anh Vũ Phi Phương – cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần Ecospa Việt Nam, nghề hoa cây cảnh có nhiều cơ hội việc làm. Sinh viên có thể khởi nghiệp từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Tuy nhiên, các em nên bắt đầu từ những việc nhỏ. “Trước đây, tôi bắt đầu khởi nghiệp từ việc giâm cành cây để bán, sau đó phát triển dần trồng hoa cây cảnh. Hiện, tôi phát triển thành công ty và bán các loại hoa, cây cảnh trong nước và nhập khẩu” – anh Phi Phương cho hay.
Ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam cung cấp những kiến thức và kỹ năng chuyên sâu trong nghiên cứu, ứng dụng và sản xuất các loại hoa cảnh và cây cảnh có giá trị kinh tế cao.
Sinh viên theo học ngành này được trang bị năng lực chuyên môn về lĩnh vực thiết kế, thi công và quản lý cảnh quan, có khả năng phân tích, hoạch định và giải quyết các vấn đề về xây dựng cảnh quan theo yêu cầu của thực tiễn và sự phát triển kinh tế – xã hội văn minh. Bên cạnh đó, sinh viên còn được trang bị kiến thức tổng hợp để cộng tác với các nhóm ngành gần với kiến trúc cảnh quan như: nông học, lâm nghiệp, kiến trúc công trình, xây dựng, quy hoạch đô thị…
Thông tin tuyển sinh tại: https://tuyensinh.vnua.edu.vn/nganh-cong-nghe-rau-hoa-qua-va-canh-quan/.
|
https://danviet.vn/