GDVN - Diện tích trồng hoa, cây cảnh của Việt Nam đạt gần 45.000ha vào năm 2024 (gấp 8 lần so với năm 2000), giá trị sản lượng ngành đạt hơn 45.000 tỷ đồng mỗi năm
Chiều ngày 12/1, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức toạ đàm “Tương lai ngành hoa, cây cảnh Việt Nam” nhằm phân tích, đánh giá những tiềm năng của ngành hoa cây cảnh tại thị trường Việt Nam trong sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và cải thiện đời sống người dân.
Tham dự toạ đàm về phía Học viện Nông nghiệp có Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Lan - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Học viện, Đại biểu Quốc hội khoá XV; Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng khoa học và Đào tạo Học viện; các Phó Giám đốc học viện gồm: Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Cường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Ngọc Huyên; Tiến sĩ Nguyễn Công Tiệp.
Bên cạnh đó, tọa đàm còn thu hút sự quan tâm và tham dự của hàng trăm đại biểu là các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp, giảng viên và sinh viên.
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Cường - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Ngành hoa cây cảnh Việt Nam đang có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một lĩnh vực kinh tế có tiềm năng lớn, đóng góp đáng kể vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất và cải thiện đời sống người dân.
Với diện tích trồng hoa, cây cảnh đạt gần 45.000 ha vào năm 2024 (tăng gấp 8 lần so với năm 2000), giá trị sản lượng ngành cũng tăng trưởng ấn tượng, đạt hơn 45.000 tỷ đồng mỗi năm. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu hoa đã vượt mốc 100 triệu USD, với các sản phẩm chủ lực như hoa lan, hoa hồng, hoa cúc... đã khẳng định vị thế của Việt Nam trong ngành hoa cây cảnh khu vực và quốc tế.
|
|
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Cường - Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam khai mạc toạ đàm |
Bên cạnh những thành tựu đáng tự hào, thầy Cường cho biết, ngành hoa cây cảnh cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đầu tiên là sự biến đổi khí hậu, yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm từ thị trường quốc tế và mức độ cạnh tranh ngày càng gia tăng đòi hỏi chúng ta phải có chiến lược phát triển bài bản.
Thứ hai là việc quy hoạch vùng chuyên canh chưa đồng bộ, chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao còn hạn chế và khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn đầu tư là những vấn đề cần được giải quyết kịp thời.
Ngoài ra, việc xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hoa cây cảnh Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, gây khó khăn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trước nhu cầu ngày càng cao của xã hội, năm 2007, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã đào tạo ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan với sự hỗ trợ, đồng hành của các chuyên gia Hà Lan.
Tính đến nay, nhà trường đã đào tạo 17 khóa ngành Công nghệ rau hoa quả và cảnh quan, có hơn 1000 sinh viên tốt nghiệp ra trường làm việc ở lĩnh vực hoa cây cảnh. Bên cạnh việc đào tạo, nhà trường cũng nghiên cứu về chọn tạo giống hoa, chuyển giao công nghệ sản xuất bền vững, được triển khai trên cả nước như giống hoa lan huệ, cẩm chướng, công nghệ nuôi cấy mô hoa lan đã được công nhận và ứng dụng rộng rãi trong cả nước.
“Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên, từ nhà quản lý, nhà khoa học đến doanh nghiệp và cộng đồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tin rằng, ngành hoa cây cảnh Việt Nam sẽ phát triển bền vững, trở thành một ngành kinh tế sinh thái mũi nhọn, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng thu nhập cho người sản xuất và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Trên cơ sở đó, toạ đàm hôm nay sẽ mở ra những cơ hội mới, mang lại những giá trị thiết thực cho sự phát triển của ngành hoa cây cảnh, đồng thời truyền cảm hứng để thế hệ trẻ tự tin hơn khi lựa chọn con đường sự nghiệp trong lĩnh vực này”, thầy Cường chia sẻ.
Tham dự toạ đàm, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Minh Phượng - giảng viên khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trình bày báo cáo ”Lai tạo giống hoa mới đáp ứng nhu cầu xã hội tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam”.
|
|
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Minh Phượng - giảng viên khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày báo cáo |
Theo chia sẻ của cô Phượng, hiện nay ngành hoa, cây cảnh của Việt Nam đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức như định hướng phát triển vùng hoa, cây cảnh còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Thứ hai, hầu hết các giống hoa, cây cảnh đang được trồng ở Việt Nam không có bản quyền, kỹ thuật sản xuất hoa, cây cảnh vẫn còn lạc hậu so với các nước trong khu vực. Chưa kể ảnh hưởng của biến đổi khí hậu làm cho các diễn biến thời tiết không theo quy luật, ngày càng khắc nghiệt và khó dự đoán.
Bên cạnh đó là thách thức trong việc cạnh tranh quyết liệt trên thị trường thế giới và vấn đề nguồn nhân lực phục vụ quản lý, sản xuất kinh doanh hoa, cây cảnh công nghệ cao còn thiếu và yếu, tỷ lệ qua đào tạo thấp.
Trước tình hình đó, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai nhiều dự án lai tạo giống hoa mới để đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đối với hoa lan huệ, qua quá trình nghiên cứu, nhà trường đã xác định được định hướng phát triển loài hoa này tại thị trường Việt Nam.
Theo đó, để có thể phát triển loài hoa lan huệ, cần tiếp tục lựa chọn bộ giống phù hợp với thị trường cũng như tích cực nhân giống mới, khảo nghiệm trên diện rộng và công bố, bảo hộ giống.
Mặt khác, cần hoàn thiện quy trình điều khiển ra hoa cho những dịp có nhu cầu cao. Xây dựng hệ thống cung cấp và phát triển thị trường cũng như đa dạng hơn về chủng loại sản phẩm.
Trình bày báo cáo “Ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trong nhân giống cây cảnh lá nội thất - định hướng xuất khẩu”, Tiến sĩ Vũ Thanh Hải - Trưởng bộ môn Rau hoa quả và cảnh quan, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thông tin, tại thị trường Việt Nam, sản phẩm cây nội thất đem lại doanh thu lớn cho các nhà vườn. Tuy nhiên, cũng có rất nhiều loại cây nội thất được nhập khẩu từ nước ngoài, điều này tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ trong thị trường cây cảnh của nước ta.
Từ tình hình đó, khoa Nông học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ nuôi cấy mô trên cây nội thất. Kết quả nhận lại là tạo ra được cây giống chất lượng cao, đồng nhất, số lượng lớn và ổn định.
|
|
Tiến sĩ Vũ Thanh Hải (ngoài cùng bên trái) tham gia thảo luận tại toạ đàm |
Theo chia sẻ của thầy Hải, khi áp dụng công nghệ vào nông nghiệp sẽ tạo ra sự thuận lợi trong quá trình sản xuất khi không phụ thuộc vào mùa vụ hay thời tiết.
Bên cạnh đó, giống cây được tạo ra sẽ sạch bệnh, phù hợp xuất khẩu vào những thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn kiểm dịch nghiêm ngặt.
Để phát triển hơn nữa mặt hàng cây nội thất, thầy Hải đề xuất cần nâng cao năng lực công nghệ nuôi cấy mô qua việc đầu tư trang thiết bị cũng như đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực. Xây dựng thêm những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp nuôi cấy mô để khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu.
Đồng thời, cần hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn xuất khẩu. Hỗ trợ xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường hợp tác quốc tế.
Xã Xuân Quang (Văn Giang, Hưng Yên) là một trong những làng hoa cây cảnh lớn nhất miền Bắc. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Minh Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Quang, thời gian vừa qua, Uỷ ban Nhân dân xã đã phối hợp chặt chẽ với Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trồng, chăm sóc hoa cây cảnh.
Hàng năm, địa phương đã tiếp nhận nhiều đoàn sinh viên của trường về thực tập, trải nghiệm và làm đề tài, báo cáo tốt nghiệp.
“Đánh giá từ tình hình thực tiễn, có thể khẳng định rằng cơ hội việc làm của ngành hoa cây cảnh rất phong phú, đa dạng, thậm chí còn có thể mang lại nguồn thu nhập hấp dẫn”, ông Tuấn chia sẻ.
Chia sẻ với phóng viên, anh Vũ Phi Phương – cựu sinh viên khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, là người sáng lập Công ty cổ phần Ecospa Việt Nam cho biết, ngành hoa cây cảnh là một ngành đầy triển vọng và sẽ mang lại nguồn thu nhập tốt nếu như chúng ta biết nắm bắt thời cơ.
Khởi nghiệp từ khi là sinh viên năm thứ 3 với số vốn vỏn vẹn 20 triệu đồng bằng công việc bán hoa cây cảnh trong dịp Tết, lợi nhuận từ công việc đầu tiên bản thân làm ra đã thôi thúc anh Phương cố gắng để thực hiện những dự án lớn.
|
|
Anh Vũ Phi Phương khởi nghiệp thành công với nghề bán cây |
Sau gần 10 năm gắn bó với nghề bán cây và tích luỹ được những kinh nghiệm quý giá, anh Phương nhắn nhủ các sinh viên còn đang ngồi trên giảng đường đại học, nếu muốn khởi nghiệp thành công thì nên bắt đầu từ những công việc nhỏ nhất. Bởi đôi khi, chính từ những điều nhỏ nhặt được thầy cô giảng dạy lại chính là những bài học đáng giá giúp ích khi sinh viên mới bắt đầu khởi nghiệp.
Hiện nay, anh Vũ Phi Phương đã sáng lập công ty riêng chuyên thiết kế và thi công sân vườn. Bên cạnh đó anh còn kinh doanh hoa, cây cảnh trong nước và xuất khẩu nước ngoài.
Ngành Khoa học cây trồng được đào tạo tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam từ năm 1956. Trải qua gần 70 năm xây dựng và phát triển, Học viện đã đào tạo cho đất nước hàng chục vạn kỹ sư Khoa học cây trồng. Nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực này đã có những công trình nghiên cứu đóng góp to lớn cho phát triển của đất nước đồng thời đào tạo ra nhiều thế hệ sinh viên đã và đang đảm nhận những vị trí quan trọng trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội và doanh nghiệp. Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đúng ngành đào tạo đạt trên 95% sau 12 tháng tốt nghiệp.
https://tuyensinh.vnua.edu.vn/nganh-khoa-hoc-cay-trong/.
|
https://giaoduc.net.vn/