Bài tổng quan

Nhóm NC mạnh Côn trùng

Cây khoai lang là một cây lương thực được trồng ở hầu khắp các vùng sinh thái trong cả nước. Cây khoai lang có vai trò là cây lương thực quan trọng đối với người dân trong nước và là hàng hoá xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Trên khoai lang, kết quả điều tra cho thấy có 29 loài sâu côn trùng và nhện hại, trong đó những loài sâu hại khá phổ biến gồm có bọ hà (Cylas formicarius), sâu đục dây (Omphisia anastomasalis), sâu sa (Agrius convolvuli) và bọ hung (Serica orientalis). Bọ hà là loài nguy hiểm nhất, nhiều nơi đặc biệt ở các vùng khô hạn miền núi phía Bắc, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên củ khoai lang bị bọ hà gây hại rất nặng, nhất là trong các vụ Hè thu tỷ lệ củ bị hại có thể lên đến 30-50%, thậm chí 100%. Ở ĐBSCL, một số sâu bệnh hại chính trên khoai lang là bọ hà, sâu khoang (Spodoptera litura), bệnh thối thân (Fusarium oxysporum f. batatas), bệnh rỉ trắng (Albugo ipomoeae pardurate Swingle), bệnh ghẻ (Elsinoe batatas Jenkins). Trên cây khoai lang có 10 loại bệnh trong đó bệnh ghẻ (Sphaceloma batatas) gây hại nặng trên thân lá, làm cho cây dị hình, thân dựng đứng, thường gây hại khá nặng trong các tháng mùa hè nóng ẩm (Nguyễn Văn Đĩnh, 2002).

Bọ hà Cylas formicarius là côn trùng gây hại nghiêm trọng trên khoai lang. Bọ gây hại trên khoai lang từ khi ở ngoài đồng đến giai đoạn thu hoạch và bảo quản củ sau thu hoạch. Ngoài ra, bọ hà là đối tượng kiểm dịch của nhiều quốc gia trên thế giới. Bọ hà có thể gây hại quanh năm nếu có nguồn thức ăn và ký chủ thích hợp. Trưởng thành đẻ trứng vào trong những lỗ đục trên củ hay trên dây khoai do con cái dùng miệng cạp vào. Trứng đẻ từng quả một, được trét kín bằng phân do con cái thải ra nên khó thấy, thông thường trứng được đẻ trên dây khoai, gần nơi tiếp giáp giữa dây khoai và củ khoai, đôi khi con cái bò xuống đất qua những kẻ nứt, tìm đến củ để đẻ trứng. Ấu trùng thường đục, chui vào dây khoai hay củ khoai sau khi nở. Những con nở trên dây có xu hướng chui xuống đất tìm đến củ khoai để đục vào. Trong củ, ấu trùng đục đường hầm ngoằn ngoèo và thải phân. Ấu trùng tuổi 3 sau khi đẫy sức thường hóa nhộng trong củ khoai hay dây khoai. Trưởng thành có đầu đen, râu, ngực và chân màu cam hay đỏ nâu, cánh che kín phần bụng có màu xanh ánh kim. Trưởng thành thường gậm mặt dưới lá, giả chết nếu bị động, bay thấp từng đoạn ngắn, hoạt động mạnh về đêm.

Bọ hà Cylas formicarius gây hại khoai lang có thể được quản lý bằng nhiều biện pháp khác nhau như biện pháp sinh học, biện pháp hoá học, biện pháp dùng bẫy bả, bẫy pheromone. Phương pháp đặt bẫy pheromone tổng hợp dẫn dụ bọ hà kết hợp phun thuốc sinh học hoặc thuốc hóa học cho hiệu quả phòng trừ bọ hà cao. Phương pháp đặt bẫy pheromone tổng hợp dẫn dụ bọ hà kết hợp phun chế phẩm nấm xanh với liều lượng sử dụng 1,5 kg/ha có hiệu quả phòng trừ bọ hà cao tương đương với phương pháp phun thuốc hóa học định kỳ 10 ngày 1 lần của nông dân.

Tại Việt Nam, kết quả thí nghiệm ngoài đồng tại tỉnh Thanh Hóa, thành phố Hà Nội, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Hà Tây vào năm 2002 cho thấy bẫy pheromone giới tính tổng hợp có khả năng hấp dẫn bọ hà khoai lang rất cao, số lượng trưởng thành đực vào bẫy trung bình là 213 con/bẫy/ngày. Nghiên cứu cho thấy càng xa vị trí đặt bẫy pheromone, tỉ lệ dây khoai gốc và củ khoai bị ấu trùng gây hại càng tăng, tại vị trí trung tâm của ba bẫy và cách bẫy 25- 50 m có tỉ lệ bị ấu trùng gây hại thấp nhất (Nguyễn Văn Đĩnh, 2005).

Một số kết quả sử dụng bẫy pheromone tại xã Đông Bình, Tân Hưng và Tân Quới chủ yếu có 1 cao điểm từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 10/2009 với số lượng trưởng thành đực vào bẫy dao động từ 1.601-2.770 con/bẫy/2 tuần. Tại xã Thành Lợi số lượng trưởng thành đực vào bẫy thấp từ tháng 8 đến tháng 9/2009, sau đó tăng lên tạo thành cao điểm vào đầu tháng 10/2009 đạt 2.303 con/bẫy/2 tuần và giảm xuống duy trì mật số thấp hơn. Sau đó tiếp tục tăng lên tạo thành cao điểm vào cuối tháng 12/2009 đạt 2.021 con/bẫy/2 tuần và giảm dần xuống rất thấp từ đầu tháng 01/2010, đến tháng 3/2010 số lượng trưởng thành đực vào bẫy bắt đầu tăng lên đột biến tạo thành cao điểm vào đầu tháng 4/2010 đạt cao nhất là 8.013 con/bẫy/2 tuần. Kết quả đợt này cao gấp 4 lần so với 2 đợt cao điểm vào đầu tháng 10 và cuối tháng 12/2009. Ở các đợt mật số trưởng thành đực vào bẫy đạt cao điểm trên đều trùng với giai đoạn thu hoạch khoai của nông dân (Nguyễn Xuân Lai, 2011).


 Trưởng thành đực bọ hà gây hại khoai lang (CTCP BVTV DELTA)

Trưởng thành cái bọ hà gây hại khoai lang (CTCP BVTV DELTA) 

 

Triệu chứng gây hại của bọ hà trong củ khoai lang (CTCP BVTV DELTA)