Ngày 30 tháng 1 năm 2024, tại Bộ môn Canh tác học, khoa Nông học, nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái đã tổ chức seminar chuyên gia với chủ đề “Nghiên cứu và đổi mới các hệ sinh thái nông nghiệp nhiệt đới” nhằm giới thiệu, thảo luận các giải pháp để mở rộng, nâng cao hiệu quả của các hệ thống sinh thái nông nghiệp nhiệt đới hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững. Tham dự seminar có chuyên gia là GS.TS. Jiaguo Qi, Giám đốc Trung tâm Asia Hub, Đại học Michigan, Hoa Kỳ; TS. Chu Anh Tiệp, bộ môn Canh tác học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng các thành viên của nhóm nghiên cứu.
|
|
Chuyên gia cùng các thành viên tham dự buổi seminar |
Ngày nay, tăng trưởng xanh và nông nghiệp sinh thái (NNST) trở thành từ khóa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nông nghiệp của nhiều quốc gia. NNST là hướng đi tất yếu hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững khi cùng lúc áp dụng cả khái niệm và nguyên tắc sinh thái, xã hội vào việc quản lý các hệ thống nông nghiệp, lương thực và thực phẩm; tối ưu hóa quan hệ và hiệu quả tương tác giữa thực vật, động vật, con người và môi trường; đồng thời, chú ý đến các khía cạnh xã hội cần được giải quyết để đạt được hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững. GS.TS. Jiaguo Qi đã giới thiệu về tầm nhìn, sứ mạng và hoạt động của trung tâm Asia Hub. Trung tâm ban đầu được thành lập để nâng cao năng lực nghiên cứu của trường ĐH Michigan nhằm giải quyết các vấn đề thay đổi toàn cầu phức tạp và tiếp cận trực tiếp các nguồn tài trợ. Năm 2017, ĐH Michigan và Đại học Nông nghiệp Nam Kinh, Trung Quốc đã thành lập "Trung tâm Châu Á về Nước, Năng lượng, Thực phẩm và Nông nghiệp", sau đổi tên thành "Asia Hub". Tính đến năm 2023, Asia Hub đã có hơn 30 quan hệ đối tác với các trường đại học ở Châu Á, các tổ chức nghiên cứu và tổ chức quốc tế, hình thành một mạng lưới nghiên cứu quốc tế khá lớn. Các hoạt động chính của Asia Hub bao gồm: Tập hợp các đối tác của Asia Hub thông qua hội thảo và cuộc họp khác nhau để xây dựng mối quan hệ, trao đổi kiến thức và chia sẻ các cơ hội hợp tác; Chính thức hóa quan hệ đối tác thể chế để đảm bảo tính bền vững lâu dài; Xác định các cơ hội tài trợ và kết nối các đối tác trong mạng lưới Asia Hub để cùng phát triển các đề xuất và tài trợ bên ngoài. Đặc biệt, họ đang thực hiện việc thu thập số liệu về cây trồng, đất, nước và không khí ở các địa điểm khác nhau để xây dựng một hệ thống quan sát sinh thái nông nghiệp quy mô lớn, có thể kết hợp với hệ sinh thái con người và tính bền vững của hệ sinh thái nông nghiệp trong tương lai. Bằng cách khuyến khích và tạo điều kiện cho các đối tác chia sẻ nguồn lực và kiến thức chuyên môn, Asia Hub tăng cường năng lực của các tổ chức thành viên và giúp họ trở nên cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn và thành công hơn trong nỗ lực nghiên cứu và giáo dục của mình.
|
|
Các thành viên thảo luận sôi nổi trong buổi seminar |
Tiếp nối chủ đề phát triển các hệ thống sinh thái nông nghiệp, TS. Chu Anh Tiệp đã trình bày về Hệ sinh thái lúa – rươi – cáy ở vùng đất ngập nước do thủy triều. Việt Nam có chiều dài bờ biển hơn 3260 km, là một trong 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Hiện Việt Nam có khoảng 4 triệu ha đất trồng lúa nhưng dự kiến sẽ bị mất đi khoảng hơn 2 triệu ha nếu mực nước biển dâng thêm 1m, trong đó ước tính khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn. Rươi là loài động vật sống ở điều kiện nước lợ (có thể chịu được độ mặn từ 0% đến 10%). Sản phẩm từ rươi có hàm lượng dinh dưỡng cao. Trung bình 100g rươi sẽ chứa 12.4g protid, 81.9g nước, 1.3g tro, 4.4 lipit và cung cấp cho cơ thể 87 calo. Ngoài ra rươi còn chứa nhiều khoáng chất khác như sắt, phốt pho và canxi. Trong khi đó cáy được biết đến là cua càng đỏ, màu nâu, có thể sống ở nhiều môi trường khác nhau nhưng thường tập trung chủ yếu ở vùng nước lợ, bờ ruộng, mương và biển. Nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu hệ sinh thái lúa – rươi – cáy tại xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Lúa cấy vụ xuân, thời gian còn lại để nuôi rươi và cáy. Diện tích hệ thống ngoài đê là 137 ha, sau mở rộng thêm 214 ha đất trong đê. Chế phẩm vi sinh được bón bổ sung cho cây lúa, giúp thúc đẩy chất hữu cơ trong đất chuyển hóa nhanh hơn, có lợi cho môi trường rễ lúa, rươi và cáy. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc thực hiện mô hình lúa – rươi – cáy tạo ra sản phẩm lúa gạo chất lượng cao (gạo hữu cơ) và 2 nguồn sản phẩm thực phẩm có giá trị cao là rươi và cáy, đồng thời gia tăng thu nhập cho nông dân ở vùng mô hình đất ngập do thủy triều. Diện tích làm mô hình này, cũng là nơi chứa lượng nước thủy triều khi lên, góp phần giảm nhiễm mặn vào sâu trong lục địa, có thể là nguồn năng lượng tích lũy để chuyển hóa thành điện năng trong tương lai.
Buổi seminar đã diễn ra sôi nổi, các thành viên tham dự đã trao đổi rất tích cực về các giải pháp cụ thể để phát triển các hệ thống sinh thái trong điều kiện biến đổi khí hậu nhằm hướng tới tính bền vững của tăng trưởng nông nghiệp, đồng thời chia sẻ cơ hội hợp tác trong tương lai.
Phan Thị Thủy
Nhóm nghiên cứu mạnh Nông nghiệp sinh thái