Ngày 23 tháng 11 năm 2022, tại phòng thư viện khoa Nông học, nhóm nghiên cứu mạnh sinh lý, sinh thái cây trồng đã tổ chức seminar khoa học với hai chủ đề:

Chủ đề 1: Ảnh hưởng của bổ sung chất nhuộm vào lá dâu đến sinh trưởng của con tằm, năng suất và chất lượng tơ do TS. Nguyễn Hồng Hạnh trình bày.


TS. Nguyễn Hồng Hạnh trình bày 

            Dệt nhuộm là một trong những ngành gây ô nhiễm nhất hiện nay và cần phải phát triển các quy trình sản xuất xanh có thể giảm thiểu ô nhiễm. Sợi tơ tằm được coi là nữ hoàng của ngành dệt, tuy nhiên đa phần nó chỉ có màu trắng. Do vậy, việc nghiên cứu bổ sung thuốc nhuộm vào chế độ ăn của tằm dâu được coi là một trong những phương pháp thân thiện với môi trường để tạo ra kén màu trong ngành công nghiệp nuôi tằm. Trong nghiên cứu này, ba loại chất nhuộm màu gồm Rhodamine, Nile blue A và Neutral Red đã được bổ sung vào lá dâu tằm để nuôi tằm tuổi 5. Kết quả cho thấy, màu sắc tằm và tuyến tơ tương tự như màu thuốc nhuộm; trong khi màu kén và tơ tằm nhạt hơn màu thuốc nhuộm. Khối lượng tằm khi ăn lá dâu xử lý với Neutral Red không khác biệt so với đối chứng (phun nước lã) trong cả hai lứa nuôi, trong khi đó,  khối lượng kén và vỏ kén lần lượt giảm 4-13% và 17,4-26%,  năng suất kén/200 tằm giảm 19,3-29,4% tương ứng với lứa nuôi một và lứa nuôi hai. Chất lượng tơ khi bổ sung thuốc nhuộm Rhodamine cao với chiều dài sợi tơ lần lượt đạt 740m và 757m ở vụ 1 và vụ 2. Tóm lại, khi bổ sung 2 loại thuốc nhuộm Rhodamine và Neutral Red vào lá dâu làm thức ăn cho con tằm, tằm vẫn sinh trưởng tốt, năng suất và chất lượng kén giảm không đáng kể so với đối chứng. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi có thể cung cấp một nền tảng quan trọng để sản xuất kén tằm với nhiều màu khác nhau bằng phương pháp bổ sung thuốc nhuộm vào lá dâu làm thức ăn cho tằm.


Con tằm, tuyến tơ và kén tằm ở các công thức thí nghiệm 

Chủ đề 2:  Kết quả nghiên cứu bước đầu về ảnh hưởng của điều kiện nuôi cấy đến việc tích lũy hoạt chất trong nấm Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris do TS. Vũ Ngọc Lan trình bày.


 TS. Vũ Ngọc Lan trình bày

Nấm Đông trùng hạ thảo là dạng ký sinh của nấm Cordyceps trên ấu trùng. Mặc dù có nhiều loài Đông trùng hạ thảo khác nhau nhưng chỉ có số ít có ứng dụng trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Chất lượng của Đông trùng hạ thảo phụ thuộc vào loại nấm kí sinh và loại vật chủ. Loài Cordyceps militaris và Cordyceps sinensis là được tập trung nghiên cứu và có khả năng ứng dụng nhiều hơn cả. Trong nấm Đông trùng hạ thảo, thành thành phần chủ yếu là protein, vitamin và chất khoáng, ngoài ra còn chứa các chất có hoạt tính kháng ung thư, vi sinh vật, tiêu huyết kháng viêm, điều hòa miễn dịch, kháng tiểu đường như cordycepin, adenosine, ergosterol,... Kết quả nghiên cứu so sánh năng suất và chất lượng 3 chủng C. Militaris được nhập nội từ Trung Quốc, Thái lan, Hàn Quốc để tìm chủng C. Militaris Trung Quốc đã cho thấy: chủng C. Militaris Trung Quốc là chủng có chất lượng, năng suất tốt nhất. Kết quả nghiên cứu nuôi cấy chủng C. Militaris Trung Quốc trong các điều kiện khác nhau như: chế độ chiếu sáng, dung tích bình nuôi; môi trường hữu cơ cơ bản có bổ sung: đường Saccaroze, giá đỗ, nước dừa, cà rốt, đậu xanh, đậu tương, khoai lang, khoai tây; môi trường hữu cơ trên các loại gạo khác nhau cho thấy: nuôi cấy trong điều kiện ánh sáng có cường 1.250 Lux, bình nuôi cấy có dung tích V 750ml, môi trường dinh dưỡng hữu cơ chung có bổ sung 20% nước dừa, 4% Saccaroza, gạo tẻ thơm ST25, 5% giá đỗ, 5% Khoai lang, 5% Khoai Tây, 3% Cà rốt, 3% Đậu xanh cho kết quả tốt nhất cả về năng suất và chất lượng.


Đông trùng hạ thảo nuôi ở cường độ ánh sáng 1250lux 

 

Nhóm nghiên cứu mạnh sinh lý, sinh thái cây trồng