Tại phòng hội thảo khoa Nông học, nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ canh tác rau hoa quả và Cảnh quan đã tổ chức seminar về một số kết quả nghiên cứu về rau hoa và cảnh quan ở miền Bắc Việt Nam.
|
|
|
Mở đầu seminar, PGS. TS. Phạm Thị Minh Phượng trình bày về kết quả chuyển giao và xây dựng mô hình sản xuất cây hoa hiên. Hưng Yên là một trong những vùng truyền thống về trồng hoa, do đó đây là nơi được tác giả lựa chọn phát triển mô hình cây hoa hiên. Trước đây hoa hiên đã được trồng nhiều ở Hưng Yên có màu vàng và màu cam. Mục tiêu của nhóm nghiên cứu ở Hưng Yên là lai tạo và phát triển các giống hoa hiên và phát triển mô hình trồng hoa hiên tại Hưng Yên. Diện tích đất trồng tại Hưng Yên ngày càng nhiều, chính vì vậy việc giới thiệu mô hình có hiệu quả kinh tế cao tại Hưng Yên là cần thiết. Trên tổng số 19 dòng/ giống được tuyển chọn tại Hưng Yên, tuyển chọn được 12 dòng triển vọng tại Hưng Yên. Nhóm nghiên cứu đã tổng kết được quy trình trồng được thông qua cấp cơ sở năm 2022. Mô hình được triển khai từ tháng 4 năm 2022, phương pháp nuôi cấy mô tế bào đã được thực hiện để nhân giống cây hoa hiên. Cây con từ nuôi cấy mô có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt. Sau một năm cây hoa hiên ra hoa vào dịp tháng 5/2023, hoa của các cây này giống đặc điểm của cây mẹ. Hoa hiên được phân tích hàm lượng vitamin C khá cao, có thể sử dụng làm thực phẩm. Hiệu quả kinh tế của hoa hiên ước tính cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác tại Hưng Yên như hoa cúc chi, cây mộc hương, lúa Hương Bình, ổi VietGAP, nhãn VietGAP. Nhiều hộ nông dân thăm quan mô hình rất hào hứng và mong muốn nhân giống mô hình. Ngoài ra, cây hoa hiên là cây khá dễ trồng, chăm sóc và ít nhiễm sâu bệnh hại nên việc nhân rộng mô hình là rất khả quan. Một thảm hoa trang trí là 3 tháng đối với 3 giống hoa hiên được lựa chọn trong mô hình, đạt tiêu chí sử dụng trong cảnh quan. Mô hình cũng đã được đăng tin trên chương trình đài truyền hình VTV. Kết luận, nhóm tác giả đã giúp nông dân Hưng Yên tiếp cận, và phát triển mô hình trồng hoa hiên. Trong thời gian tới nhóm sẽ phát triển trồng hoa hiên của nhiều tỉnh của Việt Nam.
Tiếp theo, TS. Vũ Quỳnh Hoa trình bày về: “Tổng quan nghiên cứu về cây hoa huệ mưa (tóc tiên) Zephyranthes sp.” Huệ mưa thuộc chi Zephyranthes, lần đầu tiên được mô tả vào năm 1821 bởi William Herbert, có nguồn gốc từ châu Mĩ. Từ đó, cây hoa huệ mưa được du nhập vào nhiều châu lục khác trên thế giới. Tại Việt Nam, nhiều loài hoa huệ mưa bản địa và nhập nội đã được trồng và sử dụng trong cảnh quan, cũng như dược liệu. Bài trình bày đã khái quát tình hình nghiên cứu về nhân giống, di truyền học, lai tạo và thương mại hoa huệ mưa từ trước đến nay. Triển vọng phát triển các giống huệ mưa trên thế giới sử dụng trong dược liệu và cảnh quan đã được thảo luận.
Tiếp theo, PGS. TS. Vũ Thị Thu Hiền trình bày về đặc điểm sinh trưởng phát triển của cây Sacha inchi tại Đại Từ Thái Nguyên. Đề tài nghiên cứu được thực hiện năm 2022. Tác giả đã xây dựng quy trình canh tác cây sacha inchi tại Đại Từ Thái Nguyên. Cây xuất xứ từ Amazon Peru, hạt giống có nguồn gốc từ Thái Lan. Nhóm nghiên cứu đã tự công bố giống sacha inchi mang tên S18. Hàm lượng dầu omega 3 cao (35 -60%), hàm lượng 3-6-9 cân đối, omega 3 chiếm 40%, có lợi cho sức khỏe. Do đó, đề tài muốn đưa một cây trồng mới vào vùng Đại Từ Thái Nguyên. Mật độ trồng trong nghiên cứu là 2000 cây/ha, 2x2.5m. Phân tích các kết quả nghiên cứu và hạt của cây này. Cây lâu năm, chuyển sang thân gỗ sau 1 năm tuổi. Hình dạng lá không có nhiều biến động, có hai loại hoa là hoa đực và hoa cái, hoa đực mọc thành cụm, mở rải rác, có 2-3 quả/ chùm. Từ quả non đến thu hoạch kéo dài 4 tháng, quả chín rải rác, việc thu hoạch quả và ép dầu hơi mất công do có hai lớp từ vỏ quả đến hạt. Sau thời gian trồng tại Thái Nguyên, cây sinh trưởng khá khỏe, phát triển tốt. Sau 9 tuần trồng, chiều cao tăng hơn 2m. Sau trồng 8 tháng cây cho quả, năng suất tươi hơn 2 tấn/ha, năng suất đạt theo năng suất của thế giới. Cây nhiều năm tuổi sẽ cho năng suất tốt hơn. Sâu róm là đối tượng gây hại chủ yếu, nhưng có thể diệt trừ được. Lá của cây sacha inchi có thể sử dụng làm rau. Ngoài ra, lá có thể làm trà. Thành phần dinh dưỡng omega 3 chiếm 44,8%, là sản phẩm rất tốt cho người ăn chay. Tỉ lệ ép dầu so với một số hạt thì khối lượng dầu đạt 48%. Kết luận vùng Đại Từ Thái Nguyên có thể trồng được cây sacha inchi, nếu so với cây keo mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tiếp theo, ThS. Nguyễn Anh Đức trình bày về thiết kế cảnh quan công trình vườn thực nghiệm tại Lâm Thao, Phú Thọ, với chủ đầu tư là công ty cổ phần supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao. Mục tiêu là cần sản phẩm có thể phát triển nông nghiệp đô thị do đó cần khu thực nghiệm đưa ra trình diễn và giới thiệu cho khách hang những sản phẩm mới đó, công trình này được thực hiện tại công ty, có sự kết hợp với nhiều cựu sinh viên ngành Công nghệ Rau Hoa Quả và Cảnh quan. Công trình được thực hiện theo hai giai đoạn. Yêu cầu thiết kế mang tính đối xứng, cân đối trong thiết kế đồng thời đòi hỏi về yếu tố thẩm mỹ. Nhóm đã chia thành các khu vực gồm nhà kính, nhà lưới, vườn hoa, vườn quả, vườn dạo, cây bóng mát và một số khu vực làm điểm nhấn và khu đón tiếp khách như quảng trường. Bản vẽ phối cảnh đã được xây dựng, khu chòi canh mang tính chất lịch sử được lưu giữ lại. Hồ điều hòa được tạo dựng nhằm đảm bảo cấp thoát nước hợp lý, có khu vươn hoa thời vụ để thử nghiệm các loại phân bón. Quảng trường có độ chênh 1 m so với mặt sàn. Nhà mái lá được đặt cạnh hồ. Đồi nhỏ trồng cây tiểu cảnh, có vị trí check in là đồi tiểu cảnh. Quảng trường dạng hình tròn có thể đi vào từ bốn phía. Khu trồng hoa thời vụ được chia thành các mảng để dễ dàng thay thế hoa. Chòi canh được trồng các cây hoa để làm tăng tính thẩm mỹ. Nhà mái lá được đặt cạnh hồ, hai cây sung được giữ lại. Nhà bằng khung thép các thanh tre lá để mang tính tự nhiên. Khu nhà kính 500 m2 chia làm hai nhà ở giữa có khu nhỏ tập kết vật liệu phục vụ sản xuất trong hai nhà kính. Một nhà trình diễn gồm nhiều mô hình thủy canh. Công trình đang được bắt đầu thi công.
Cuối seminar, ThS. Nguyễn Thị Phượng trình bày về sự đa dạng về rau và hạt giống rau sử dụng cách tiếp cận phân tích thống kê Bayes. Định hướng trong đề tài nghiên cứu sinh của tác giả là đánh giá tổng thể tổng quan về rau tại khu vực miền núi phía Bắc, Mai Sơn và Sapa, lấy mẫu dựa trên hai dân tộc điển hình (dân tộc Thái ở Mai Sơn chiếm 40%, dân tộc H Mông tại Sapa). Câu hỏi đặt ra là giống lấy từ đâu, duy trì như thế nào? Bên cạnh đó, dân tộc thiểu số luôn đứng cuối trong đa dạng dinh dưỡng (chỉ đáp ứng 1-2 trong 5 loại đa dạng cần có), chủ yếu thiếu vitamin A và sắt. Do đó, câu hỏi là tại sao có sự khác biệt về đa dạng giữa các nông hộ? Tương quan giữa biến đầu ra số lượng cây rau được trồng ở nông hộ và yếu tố đầu vào như giống… yếu tố nào quyết định để họ lấy giống ở bên ngoài. Phương pháp điều tra nông hộ và thảo luận đã được sử dụng và phân tích số liệu theo phương pháp Bayes. Các thầy cô trong nhóm đã thảo luận sôi nổi trong buổi seminar.
Nhóm nghiên cứu mạnh Công nghệ Canh tác Rau Hoa Quả và Cảnh quan